

HỆ THỐNG XA LỘ XUYÊN BANG

Đã có một thời, nhiều người Việt từng góp tay gầy dựng và gìn giữ Miền Nam Việt Nam tự do. Sau năm1975 sĩ quan và công chức MNVN đã bị đày ra Bắc Việt nơi có các trại tù hãi hùng như Sơn La, Yên Bái, Vĩnh Phú, Cổng Trời… Người nhà đi nuôi tù phải trải qua những hành trình gian khổ, có khi kéo dài nhiều tuần lễ. Ngẫm lại, những địa ngục trần gian đó chỉ cách Sài Gòn trên dưới 1,000 dặm (1,500 km), bằng khoảng đường từ Houston (Texas) lên Denver (Colorado), ngày nay có thể lái xe không đầy 20 tiếng. Nước Việt Nam bé tẹo nhưng khoảng cách tâm lý và ý thức khiến lắm điều trở nên thăm thẳm, mịt mờ. Từ Sài Gòn ra cố đô Huế chỉ ngoài 700 dặm (1,150 km), ngắn hơn đường từ Virginia xuôi về Orlando, Florida, chạy khoảng nửa ngày. Và từ Sài Gòn lên Đà Lạt mộng mơ trên thực tế ngang ngửa Dallas xuống Houston (khoảng 250 dặm hay 400 km). Sự liên tưởng nào cũng khập khiễng, vì những hoàn cảnh lịch sử và địa lý khác nhau, cũng chỉ nhằm nói lên sự tiện lợi, đưa con người đến với nhau dễ dàng hơn của đường sá Mỹ quốc.
Hệ thống xa lộ xuyên bang tại Hoa Kỳ được xây từ năm 1956 dưới thời Tổng thống Dwight D. Eisenhower nên còn được đặt tên ông, một cách chính thức là "Dwight D. Eisenhower National System of Interstate and Defense Highways". Sở dĩ có hai chữ "Defense Highways" vì đó là thời Chiến tranh Lạnh, ngoài ý nghĩa thương mại và dân sự, các xa lộ này còn được thiết lập với mục đích là làm những con đường huyết mạch cho quân lực Hoa Kỳ sử dụng trong trường hợp bị cộng sản quốc tế tấn công.
Các tên gọi ngắn và thường thấy hơn gồm có Interstate, Freeways, Expressways, v.v. Chín mươi phần trăm phí tổn xây dựng và bảo trì xa lộ xuyên bang đến từ ngân sách liên bang. Một trong những xa lộ đầu tiên mở cửa vào tháng Mười Một 1956 là I-70 đoạn phía tây Topeka, tiểu bang Kansas.
Người thích du lịch có thể đã chú ý các tên xa lộ tại Mỹ được đặt ra rất có bài bản. Cách đặt tên phải dựa theo quy ước AASHTO (American Association of State Highway and Transportation Officials). Tên xa lộ thường bắt đầu với chữ "I" trong "Interstate" (xuyên bang) theo sau là các con số.
Nói chung, các xa lộ Đông-Tây (chạy ngang nước Mỹ) được đặt tên theo số chẵn. Bắt đầu từ cực Nam (biên giới với Mexico), con số tăng dần lên hướng Canada. Những đường có số zero "0" tận cùng thường là những xa lộ trọng yếu, chẳng hạn như I-10 nối liền Santa Monica, tiểu bang California (Tây Nam) với Jacksonville, tiểu bang Florida (Đông Nam), hay xa lộ I-90 chạy từ Seattle (Washington, Tây Bắc) đến tận Boston (Massachusetts, Đông Bắc). I-90 cũng là xa lộ “thăm thẳm chiều trôi” nhất Hoa Kỳ với chiều dài tổng cộng hơn 3,020 miles (hơn 4,860 cây số).
Các xa lộ Bắc-Nam (trục xương sống chạy dọc Hoa Kỳ) thì thường mang tên với số lẻ. Bắt đầu từ bờ Thái Bình Dương, số tăng dần lên khi nhích về bờ Đông. Những xa lộ chánh yếu thường mang số "5" phía cuối, thí dụ như I-5 (con đường chạy từ Mexico lên đến Vancouver - Canada, ngang nhiều thành phố lớn như San Diego, Los Angeles, San Francisco, Portland, Seattle.) hay xa lộ I-35 khởi đi từ Texas kéo lên đến vùng Ngũ Đại Hồ.
Nắm được quy ước đặt tên xa lộ xuyên bang theo số chẳn-lẻ này có thể giúp các bác tài xế có một ý niệm khái quát trên đường viễn du ngay cả khi trên tay không có tấm bản đồ, hoặc thiếu sự yểm trợ của máy định vị trí GPS. Nếu ai đó nói "Anh/Chị muốn đi Houston hả, dễ ợt à, từ Dallas chỉ việc nhắm xa lộ 30, nhấn lút ga, 3 tiếng tới ngay!" bạn sẽ mau chóng nhận ra có điều bất ổn. Xa lộ I-30 số chẵn là đường Đông-Tây nằm ngang. Lên đường 30, bắt qua I-40 sẽ đưa bạn đi thăm nhà xưa của Elvis Presley ở Memphis, Tennessee. Nếu bạn lái xe về hướng Tây, chạy miệt mài, đổi qua I-20 rồi I-10, hết một ngày đêm là tới Little Sài Gòn, bên bờ Thái Bình Dương, nơi cố thi sĩ Du Tử Lê có lần viết vần thơ bất hủ “Bên kia biển là quê hương tôi đó / Rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì”. Nói tóm lại, con đường dẫn từ Dallas tới Houston chỉ có thể là một xa lộ Bắc-Nam, mang tên số lẻ, trên thực tế là I-75 rồi I-45, hoặc thậm chí I-35 (phải vòng qua Waco và San Antonio).
Khác với một số xa lộ ở Đức cho phép tài xế nhấn hết ga, tốc độ chạy xe trên các xa lộ xuyên bang của Hoa Kỳ bị hạn chế và kiểm soát gắt gao. Mỗi tiểu bang có giới hạn tốc độ hay "speed limit" riêng. Tiểu bang cho phép tài xế chạy xe nhanh nhất là Texas và Utah, với nhiều nơi vận tốc hợp luật lên đến 85 mph. Ngược lại, Hạ Uy Di (Hawaii) chỉ cho phép lái xe nhanh nhất đến 60 mph.
Xa lộ I-405 Los Angeles (Calif.) có lưu lượng xe cộ nhiều nhất nước Mỹ, với khoảng gần 400,000 ngàn chiếc mỗi ngày. Cheo leo nhất là xa lộ I-70 khúc đường hầm Eisenhower Tunnel qua vùng Colorado Rocky Mountains. Đoạn đường này cao hơn mặt nước biển 11,158 ft (khoảng 3.5 cây số). Gần đây, thành phố Houston (Texas) đã vượt New York về mục đường phố thênh thang. Đoạn xa lộ I-10 băng ngang downtown Houston có những chỗ rộng đến 26 luồng xe chạy, tính gộp cả những đường exit, frontage roads, HOV lanes… Còn con đường I-95 chạy ven bờ Đại Tây Dương, từ Maine xuống tận Florida là xa lộ xuyên qua nhiều tiểu bang nhất: 15 -- gồm cả thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Những bạn thường lái xe đường trường có lẽ cũng đã quen thuộc với các bảng tên đường "Business routes" mỗi khi ngang qua các nơi thị tứ. Xa lộ xuyên bang được thiết lập nhằm giữ nhịp giao thông xuyên suốt và nhanh nhất, nên mỗi khi ngang qua các đô thị chánh, chúng thường "né” sang một bên. Điều này phát sinh ra business routes mang cùng tên như xa lộ. Đây là những đoạn đường đi vô thành phố, chạy một lúc rồi lại nhập vào xa lộ chánh trở lại. Giả dụ có lần bạn chạy xe trên I-35 đến Waco rồi sơ ý bắt vào "Business Route 35", bạn cứ thong thả ngắm cảnh phố phường Waco, chỉ chút thôi con đường này sẽ dẫn bạn ra lại xa lộ I-35.
Sau hết, nếu bạn có lần bực bội rồi buông miệng rủa xả nạn kẹt xe… tàn nhẫn trên xa lộ Hoa Kỳ, có thể bạn sẽ được an ủi phần nào vì xa lộ Mỹ quốc… vẫn còn tốt chán so với thế giới còn lại!
Theo nhiều phúc trình độc lập, không thành phố nào của Mỹ nằm trong số các đô thị phiền nhiễu nhất về vụ kẹt xe. Có thể kể ra Moscow (Nga), New Delhi (Ấn Độ), Sao Paulo (Brazil), Milan (Ý), Buenos Aires (Argentina). Đặc biệt ở những đô thành như Bắc Kinh hay Mexico City dân chúng phải mất trung bình hơn hai tiếng lái xe đi làm mỗi ngày.
Chính hệ thống đường sá tại các nước đang phát triển, những… con rồng tự phong, mới gặp vấn đề lớn vì các nước này không theo kịp đà tiến triển. Theo một thống kê, trong năm 2010 số xe hơi mới đăng bộ tại Bắc Kinh tăng lên gần 25%, khiến các quan chức ngành giao thông đau đầu cho bài toán lưu thông xe cộ.
Trong khi đó, Hoa Kỳ đã có nhiều thập niên xây đắp, chuẩn bị, và điều chỉnh để thích ứng với hoàn cảnh mới. Tổ chức quy củ, luật lệ rõ ràng, cũng như ý thức cao của dân chúng là những điều kiến tạo nên hệ thống xa lộ Hoa Kỳ tân tiến và lớn nhất trên thế giới ngày nay.
Trần Trí Dũng
MỤC LỤC
-Chúa có chọn Đức Giáo Hoàng không?
-Đức Giáo Hoàng Leo ‘là người lý tưởng để lãnh đạo Giáo Hội vào thời điểm này’
-Tư tưởng kinh tế của John M. Keynes
-Mù Chữ Về Kinh Tế Của Công Chúng Hoa Kỳ
-Tại sao trên thế giới có những quốc gia quá giàu, lại có những quốc gia quá nghèo
-Chỉ số Dow Jones, Nasdaq và S&P 500
-Tăng trưởng và phát triển kinh tế
-Tầm quan trọng của Tư tưởng và Hệ thống kinh tế
-Bàn Về Thiết Hụt Ngân Sách Và Quốc Trái Hoa Kỳ.
-XÃ HỘI
-NCAA - Nơi ương mầm chồi xuân cho nền thể thao Mỹ quốc
-Phá vỡ 5 huyền thoại sai lầm về lão hóa
-Nhật ký của một linh hồn
-Những cách chữa trị dị thường nhất
-12 sự kiện mở đường thời Internet
-Tầm nhìn của một Thiên tài
-Làm thế nào để trở thành một Bác sĩ Y khoa?
-Cái chết của gã cao bồi cô độc
-Người Mỹ khắc khổ
-Một sáng Chủ nhật
THƠ
-Đêm nay gió chẳng sụt sùi
-Cảm nghĩ về mái trường Chủng Viện Thánh Giuse
Xem lại những bài đã đăng

