


Tiếng chim gọi đàn…

Sáng nào cũng vậy, tôi thức dậy sớm, ngồi nhâm nhi ly cà phê m lướt qua những emails gửi tới trong ngày. Thường thì chỉ xem qua cái tựa đề rồi cho vào ‘recycle bin’ vì đa phần chỉ là quảng cáo, truyền thông khuynh hữu, hay tệ hơn là những luận điệu xuyên tạc, chống phá nhau của vài nhóm đối nghịch! Bổng nhiên, hôm nay, trong đám chữ nghĩa hổn độn ấy lại hiện ra một hàng chữ nhỏ xíu: “Có phải Ignatius Cẩn, hồi trước học ở …” Tôi đột nhiên dừng lại, mở to lên, đọc lại hết những hàng chữ này mà lòng bổng thấy bồi hồi xúc động lạ thường! Trời ơi, mấy mươi năm rồi, sau biết bao nhiêu là thay đổi, bây giờ bổng nhiên gặp lại người bạn thân ngày trước: Nguyễn văn Sáng.
Thật ra Sáng và tôi tuy không học cùng lớp trong trường, nhưng sau này khi ra ngoài, chúng tôi có một thời gian sống chung với nhau khá lâu, chen chúc ở các phòng trọ sinh viên, lê la ở các giảng đường trong những năm đầu đại học, rồi ngồi lì ở các quán cà phê ven đường, chia nhau từng điếu thuốc để “…luận bàn thế sự, mưu tính tương lai!”. Đến khi tình hình chiến sự căng thẳng, chúng tôi mỗi đứa đi mỗi hướng, ít có dịp gặp nhau, và cho đến khi …tan hàng thì hoàn toàn mất liên lạc cho đến nay!
Tôi ngưng hết mọi chuyện, lần theo số điện thoại trong email, gọi ngay cho bạn, mặc dù lúc đó hãy còn quá sớm. Nhận ra tiếng nói của nhau sau bao nhiêu năm xa cách, mừng vui tở mở, thăm hỏi đủ điều… Thì ra, trong những ngày cuối cùng của Sàigòn, anh chàng đã nhanh chân xuống tàu theo đoàn người di tản (có lẽ nhờ đã quen chạy giành banh bố trong sân trường ngày trước?). Qua đến Mỹ rất sớm, anh đã cố gắng vượt qua những khó khăn ban đầu, và với bản tánh chịu khó, lanh lợi anh đã đạt được những thành công ngoạn mục, cho đến bây giờ, anh đã nghiễm nhiên trở thành một …Tiến sĩ hồi hưu, sống an nhàn với vợ đẹp, con ngoan ở vùng phụ cận Thủ đô Hoa thịnh Đốn! Xin chúc mừng và thực tình ngưởng mộ người bạn thuở cơ hàn!
Rồi cũng qua tin tức của Sáng, tôi liên lạc được với Michel Trần phước Thọ, người bạn cùng nhóm “bụi đời” của chúng tôi ngày trước. Sáng và tôi thường nhắc đến anh như một chàng nghệ sĩ, đầu tóc bù xù, ngồi ôm cây đàn guitar, mắt lim dim hát “Tôi đưa em sang sông…bằng xe hoa hay con thuyền…” Rồi sau, anh buồn tình bỏ đi Thủ đức, ra trường lội sình ở các chiến trường miền Tây, cho đến ngày định mạng, cũng khăn gói vào trại “học tập” suốt mấy năm trời! Bây giờ, Thọ đang có vấn đề về sức khỏe, đang nằm dưỡng bệnh tại nhà ở tiểu bang Texas. Cầu cho người bạn được sớm hồi phục để vui vẻ với bạn bè!
Tôi cũng liên lạc được với J.B Nguyễn huệ Trạch, người phi công hào hùng đã từng du học hai lần bên Mỹ về tác chiến, phi hành, nhưng không hiểu sao trong những ngày tao loạn đó, anh lại không tung cánh bay xa khỏi chốn binh đao, để rồi “…ngậm một mối căm hờn trong củi sắt !”. Nhưng sau cùng anh cũng vượt thoát được trở qua Mỹ, làm công chức ngành bưu điện cho đến lúc về hưu. Cái cảm động là anh rất nặng tình chiến hữu, cứ bảo tôi cố tìm cho anh một tấm ảnh của anh Nghiệp, cùng binh chủng với anh, khi nghe tin anh này đã mất để xin cho anh một lễ cầu hồn…
Sáng cũng báo tin về J. Nguyễn đức Phương, người đã từng mặc áo chùng thâm, leo lên tới Giáo hoàng Học Viện Đà lạt, nhưng mộng cũng không thành, trở về học Luật Khoa cùng thời với các niên trưởng Lê Phó, Nguyễn văn Nam…Khi chiến cuộc leo thang, anh tình nguyện vào Thủ Đức để sau cùng tốt nghiệp trường… “Đại học cải tạo !”. Về sau, anh vượt biên sang đoàn tụ với vợ, cố công học hành lấy bằng chuyên viên điện toán và làm việc trong ngành này cho đến tuổi về hưu. Hiện tại, anh đang ở một căn nhà khang trang, tiện nghi ngay giữa Little Saigon, một địa điểm lý tưởng để tập hợp bạn bè.
Đến giữa tháng 9, 2018 Sáng báo tin Vợ chồng Trần văn Kiệt từ Boston, Massachusetts sẽ bay về Cali thăm bạn bè. Thật ra tôi cũng không biết nhiều về Kiệt, vì không học cùng lớp, nhưng được Sáng cho biết anh chàng này rất giang hồ hào hiệp, đã có một thời ngang dọc trước khi vào trường SQ Hải quân, ra trường lái tàu đi khắp các vùng sông nước, mà cuối cùng vẫn không thoát khỏi vòng cương tỏa của đối phương! Nhưng sau cũng nhờ vốn liếng hãi hành mà anh đã tổ chức những chuyến vượt biên ngoạn mục cho cả gia đình. Qua đến Mỹ, sinh sống bằng nghề “construction” rất thành công, đặc biệt trong những dịch vụ với người bản xứ. Tôi thán phục nhất khi Sáng cho tôi xem một tấm hình anh ta một mình leo lên lợp nguyên một mái nhà, mặc dù anh đã trên bảy bó!
Xuống đến Cali, ngụ tại nhà Nguyễn đức Phương, anh và Phương đã mời được một số thân hữu quanh vùng đến họp mặt. Trong số đó có niên trưởng Bùi văn Muôn. Anh Muôn đã từng là một chức sắc, có nhiều học vị ở Giáo triều Rôma, là tác giả của những cuốn sách giá trị như “Đường hướng mới cho tương lai Việt Nam”, “Cộng sản công cụ xâm lược của Trung quốc”…
Cũng có sự hiện diện của niên trưởng Nguyễn trọng Thiệt, một cựu Đốc sự Hành Chánh, trước đây đã làm tới chức chánh sở trong “Phủ Đầu Rồng”. Nghe nói Anh sang Mỹ với một sứ vụ đặc biệt trước năm 1975, rồi ở lại cho tới ngày hôm nay.
Ngoài ra còn có sự góp mặt của Cung Đỗ, một nghệ sĩ tài hoa đang cộng tác với chương trình nghệ thuật “Thúy Nga Paris”. Cung rất có lòng với những lời phát biểu “…Tưởng nhớ và cầu cho linh hồn Gioan Bt TT Ngô Đình DIỆM và các chiến sĩ vị quốc vong thân . Năm nào em và anh em thân hữu cũng đứng ra tổ chức lễ tưởng niệm, in sách...”
Vài ngày sau, vợ chồng Kiệt đã thân hành lái xe xuống tận San Diego để tìm thăm anh Nước, một niên trưởng cùng lớp với anh Thiệt và Đức cố Tổng GM Bùi văn Đọc. Anh Nước sống ẩn dật vui thú điền viên cái kiểu “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ…” Kiệt rước anh về Little Saigon để gặp lại anh em.
Ngày hôm sau, cả nhóm lái xe đi lên thành phố Gardena theo lời mời của anh Nguyễn văn Nam. Anh Nam đã từng là luật sư Tòa Thượng Thẩm Sàigon trước năm 1975. Anh qua Mỹ bằng máy bay dân sự vài ngày trước khi mất nước, chịu khó học nghề kỷ thuật để ra làm chuyên viên cho hảng Zerox cho đến ngày về hưu. Anh vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với Giáo hội trong nước, nên mỗi khi các chức sắc có dịp sang Mỹ, vẫn đến ngụ tại nhà anh. Anh Chị tiếp đón chúng tôi rất nồng hậu và thết đải phái đoàn bửa cơm trưa tại một nhà hàng buffet ở địa phương.
Đến cuối tuần, vợ chồng Kiệt từ giã trở về Boston với bao nhiêu cảm tình lưu luyến. Hẹn gặp lại một ngày không xa. Khi ngồi viết những giòng này thì nghe tin Kiệt đã lên đường sang Phi Châu, tận xứ Ghana theo lời mời của một thân hữu để giúp xây dựng một công trình gì đó ở địa phương. Thật là giang hồ hào hiệp!
Bây giờ, ngồi nghĩ lại, sau bao nhiêu năm trời vắng bóng, nhờ công lao tìm kiếm và cổ động của Sáng và sự nhiệt thành của Kiệt, anh em bạn bè có dịp gặp lại nhau. Điểm qua từng khuông mặt, mỗi người một cuộc sống khác nhau, thành công cũng có, lận đận cũng nhiều. Nhưng có một điều là mỗi người đều giữ cho mình một nhân cách tuyệt vời, một tấm lòng nhân ái bao la và tình bằng hữu không có gì lay chuyển. Không hiểu vì sao không ai được vinh dự… bước lên bàn Thánh!
Có lẽ chỉ vì… KHÔNG CÓ ƠN KÊU GỌI !!!
Ignatio Cẩn 56
MỤC LỤC
-Chúa có chọn Đức Giáo Hoàng không?
-Đức Giáo Hoàng Leo ‘là người lý tưởng để lãnh đạo Giáo Hội vào thời điểm này’
-Tư tưởng kinh tế của John M. Keynes
-Mù Chữ Về Kinh Tế Của Công Chúng Hoa Kỳ
-Tại sao trên thế giới có những quốc gia quá giàu, lại có những quốc gia quá nghèo
-Chỉ số Dow Jones, Nasdaq và S&P 500
-Tăng trưởng và phát triển kinh tế
-Tầm quan trọng của Tư tưởng và Hệ thống kinh tế
-Bàn Về Thiết Hụt Ngân Sách Và Quốc Trái Hoa Kỳ.
-XÃ HỘI
-NCAA - Nơi ương mầm chồi xuân cho nền thể thao Mỹ quốc
-Phá vỡ 5 huyền thoại sai lầm về lão hóa
-Nhật ký của một linh hồn
-Những cách chữa trị dị thường nhất
-12 sự kiện mở đường thời Internet
-Tầm nhìn của một Thiên tài
-Làm thế nào để trở thành một Bác sĩ Y khoa?
-Cái chết của gã cao bồi cô độc
-Người Mỹ khắc khổ
-Một sáng Chủ nhật
THƠ
-Đêm nay gió chẳng sụt sùi
-Cảm nghĩ về mái trường Chủng Viện Thánh Giuse
Xem lại những bài đã đăng

