

Đêm Phù Thủy

Hơn hai trăm năm trước Công Nguyên, An Dương Vương dẹp dòng dõi các Vua Hùng, lên làm vua người Việt. Rùa Thần giúp Vương xây thành Cổ Loa sau nhiều khốn khó do bị con cháu triều cũ quấy nhiễu. Không bao lâu sau, Loa Thành thất thủ trước quân Tàu của Triệu Đà, Vương phi ngựa đưa con gái mình là công chúa Mỵ Châu chạy trốn. Ở cửa biển, Rùa Thần nói với Vương: "Kẻ thù ngồi sau lưng bệ hạ đó!". Nhà vua hiểu ra, công chúa vì thương Trọng Thủy chồng mình mà để lộ bí mật quốc gia. Theo truyền thuyết, Trọng Thủy vốn là con trai Triệu Đà, đã sang nước Việt cầu hôn Mỵ Châu để tỏ tình hoà hảo giữa hai nước...
1.
Cơn mơ quái đản kia lại chờn vờn tra tấn giấc ngủ tôi. Sáng ra tôi nhất định bay lên thành phố đó, tìm lại con người bé nhỏ xanh xao của một đêm thù tạc tình cờ. Người tài xế taxi biết tôi sắp bay, đùa giỡn một vài câu. Anh không sợ xui à? Sao lại đi vào giờ này? Tôi dám cá cả tiểu bang chỉ có mình anh bay hôm nay!... Tôi trả lời qua loa cho có chuyện. Tôi tin những chuyện ồn ào xung quanh cột mốc thời gian thật ra chỉ là trò xí gạt có tính toán rốt ráo của những tay tài phiệt hạng cá mập. Một trò bịp trẻ con, nhưng không rẻ tiền. Bạc tỉ đã đổ ra khắp nơi để mua một tràng cười đâu đó những ngôi biệt thự heo hút bên triền núi hay xa khơi những hòn đảo hoang dã kín đáo...
Trong bụng tôi thì đang rối bòng bong. Câu chuyện hấp dẫn tưởng đang trên đường trở thành một kịch bản ngon ăn lúc đầu, hóa ra chỉ mang lại cho tôi bao lôi thôi phiền phức và những đêm mất ngủ. Ba lần viết đi viết lại, tay đạo diễn bạn vẫn lắc đầu, nhìn tôi lom lom như thể nhìn một đứa sắp mất trí. Hắn chỉ lịch sự chưa khuyên tôi bỏ đi, tìm đề tài khác cho rồi. Bất mãn hơn nữa, cái đầu người - móng rùa - cánh gà đó cứ chập chờn hằng đêm. Thoạt tiên tôi nghĩ có lẽ mình bị ám ảnh bởi câu chuyện đang viết, một điều không có gì lạ. Nhưng cả tháng trời trôi qua vẫn không thấy thay đổi, nghĩa là có gì không ổn... Tuần trước tôi chịu hết nổi, bốc điện thoại gọi ông ta chỉ để nghe tổng đài trả lời đường dây đã cắt. Mấy lần tôi gọi cho anh bạn, người đã giới thiệu tôi với ông ta, cũng không có ai bắt máy.
Và giờ tôi đang trên đường ra phi trường với hành trang là món quà ông ta tặng trước lúc chia tay: cái ống điếu kì khôi cũ mèm làm bằng tre, và tất cả những thêu dệt hoang đường chung quanh nó... Chiếc taxi lướt êm ru dưới bầu trời miền nam xanh thẳm, ngang các vỉa hè ấm áp quen thuộc nơi ngàn triệu tia nắng nhún nhảy vô tư sau những cặp mông xinh tươi thích diễn hành qua phố, chỉ khiến tôi thêm ngao ngán chuyến bay dài và đồi đồi núi núi trắng xóa tuyết trên kia.
2.
Tháng trước tôi làm một chuyến ngao du vô cớ lên thành phố pha lê. Một buổi chiều, anh bạn rủ đi xem mấy người khách Á Đông ở trọ cùng khách sạn với tôi diễn rối nước; anh bảo đảm rất hấp dẫn. Anh bạn tôi là giáo sư sử học và một cựu chuyên viên tình báo đã lăn lộn mấy mươi năm ở Viễn Đông. Anh thông thạo cả chục ngôn ngữ Đông Á, và hiển nhiên là một bách khoa sống về phong tục, văn hóa của họ. Qua anh, tôi biết đây là một nhóm nghệ nhân gồm ba cha con, bỏ xứ sở cùng nhau lưu diễn nay đây mai đó khắp thế giới. Múa rối chẳng lạ đối với tôi. Nhưng tôi chưa hề nghe tới múa rối nước. Nể anh bạn, thêm một chút tò mò nghề nghiệp, tôi thoải mái nhận lời.
Chẳng ngờ buổi trình diễn bốn mươi lăm phút đã làm tôi sững sờ, tới nỗi khi màn vừa hạ, tôi gọi ngay một người bạn khác, một tên đạo diễn đang lên trên phim trường. Tôi hét trong điện thoại đầy kích động, rằng mình sắp sửa có một kịch bản tuyệt hảo... Hollywood sau mấy loạt phim cartoon hốt bạc ngoài sức tưởng tượng ba bốn năm qua: Trăm Lẻ Một Con Chó Đốm, Vua Sư Tử, Thế Tử Ai Cập, Mộc Lan, v.v..., vẫn đang ráo riết chào mời kịch bản mới. Những tên viết kịch bản freelance như tôi hết vật lộn với những núi sách trong thư viện tìm truyện cổ tích thần thoại, lại dạo quanh các cộng đồng dân thiểu số sưu tầm chuyện dân gian qua nhiều đời truyền miệng. Trong cú điện thoại viễn liên với người bạn đạo diễn, tôi kể cho hắn nghe nỗi kinh ngạc của mình. Không chỉ vì khung cảnh liêu trai kì bí trong hang thạch nhũ, một nơi hoàn hảo cho múa rối nước. Và kĩ thuật rối nước tuy hơi lạ mắt, cũng chỉ khiến tôi ái ngại cho những người điều khiển rối phải ngâm mình trong nước suốt. Chính những màn biểu diễn cô đọng ngắn gọn đã làm tôi mê mẩn tâm thần. Tôi chưa từng nghe ở đâu những câu chuyện thâm trầm huyền bí rất đỗi Đông phương như vậy. Câu chuyện kể về một giống dân đã có thời cầu hôn nhau bằng voi chín ngà / gà chín cựa / ngựa chín hồng mao, hay huyền thoại khai sinh dân tộc từ một bọc trăm trứng, đã thật sự khiến tôi ngạc nhiên sao tới nay mình mới được biết lần đầu.
Tuy nhiên, câu chuyện thứ ba, màn biểu diễn cuối cùng, mới là lí do khiến tôi nhờ anh bạn giới thiệu với nhóm nghệ sĩ. Tôi đã không hề biết cuộc gặp gỡ do chính mình chủ động đề xướng, sẽ là nguyên nhân cho cả tháng ác mộng đến bây giờ.
3.
Lúc đó, đêm đã trùm tấm mền đen khổng lồ lên thành phố. Mở cửa mời tôi vào là một người đàn ông Á Đông thấp bé như đứa nhỏ, có lẽ không nặng hơn một trăm cân. Tôi chỉ cần vài giây để nhận ra ông ta đang uống rượu một mình, không chừng đang say. Hai người con trai đã xuống phố. Vậy là khi khổng khi không tôi thấy mình chén thù chén tạc với người cha... Tôi được mời uống thứ rượu lạ nào giờ chưa hề nếm qua. Vị rượu đắng trên đầu lưỡi nhưng ngọt nơi cuống họng. Hơi rượu không nồng mà đằm, làm mình dễ cạn trọn chung trong một cái ực nhẹ nhàng; để ngay tức khắc nghe một đường máu sôi hừng hực thốc ngược lên từ đáy bao tử, tràn qua lồng ngực, chạy rần rật trên mặt mũi, rồi cắm thẳng vào đỉnh óc. Tôi còn đang ngầy ngật chưa quen hơi rượu lạ, ông ta đã chụp một câu hỏi choáng váng:
“Ông có tin những câu chuyện đó là thật?”
Đôi mắt híp nhỏ xíu xăm xoi nhìn tôi thách thức, giễu cợt. Rồi không thèm đợi nghe tôi trả lời, ông ta nói luôn một tràng:
“Hiển nhiên là ông không tin. Tất cả chỉ là những chuyện cổ tích tưởng tượng có phải không? Nói cho cùng, chúng đều là những huyền thoại đẹp, những giấc mơ chúng ta không bao giờ với tới... Nhưng ông chắc không ngờ đã có một dân tộc bao đời mê muội tin vào huyền thoại. Chúng tôi vẫn thích mơ về một quá khứ đèm đẹp, dẫu là cái đèm đẹp của khổ đau. Đẹp như mối tình nghiệt ngã của nàng công chúa và chàng phò mã giữa cơn biến loạn; đẹp như hình ảnh công chúa rãi lông ngỗng chỉ lối cho chồng đi tìm mình; đẹp như ánh trăng ngời lên ngàn hạt châu ngọc óng ánh, vừa kết tụ từ nước mắt khóc than nhớ người vợ trẻ của chàng phò mã...”
Tôi im lặng ngồi nghe. Đêm và men rượu lạ tự chúng đã mang hồn thần thoại li kì. Giọng người đàn ông vẫn trầm trầm không dứt:
“Nhưng lịch sử thật đã xảy ra chắc chắn không lãng mạn. Cũng như câu chuyện tình ông vừa chiêm ngưỡng thích thú lúc ban chiều, cảm ơn ông, nhưng chuyện đã không chỉ có vậy. Ông không cần ray rứt gì, hai ngàn năm nay dân tộc tôi không có một người đặt câu hỏi. Chúng tôi chẳng bao giờ có cơ hội để biết, dù trễ tràng, chàng phò mã chính là một hoàng tử của triều đại cũ. Những kẻ bảo hoàng, hận thù sâu thêm sau vụ dùng con gà trắng phá Tân Vương và công cuộc xây thành bất toại, đã phái chàng đi cầu viện ngoại bang, giả kế làm con trai vua xứ Bắc đi cầu hôn con gái Tân Vương, hầu khôi phục lại vương quyền; rồi sau đó sẽ cùng nhau chia sẻ đất đai, tài nguyên.”
“Lịch sử đôi khi cũng thích đùa. Khi bất thần cả công chúa và hoàng tử đều nhận ra tình iêu sâu đậm đến nỗi không thể có một bí mật, một âm mưu, hay dối trá nào có chỗ trốn giữa họ. Nếu hoàng tử dò ra võ khí bí mật của Nam quân là chiếc ‘nỏ’ được gắn móng rùa thần, thì công chúa cũng rõ chồng mình chính là giọt máu trực tiếp của dòng họ mang mối cừu thù không đội trời chung với vua cha...”
“Ông đang nghĩ họ sẽ làm gì trong tình cảnh trớ trêu đó phải không? Ông đoán không sai đâu. Đau đớn thay cho dân tộc tôi ngay tự bước khởi hành, khi những người đầu tiên nhìn ra chỉ có tình iêu thương lấp được cái hố hận thù, và ngăn những hậu quả cay đắng khôn lường cho lịch sử, cũng phải trở thành những kẻ tuẫn đạo đầu tiên cho niềm tin trong sáng của mình. Ước mong thanh bình an lạc đó đã mọc cánh bay mất từ những ban mai đầu tiên của dân tộc tôi... Công chúa chết dưới đường gươm nghiệt ngã của cha mình. Nhưng chàng hoàng tử không phải chết mòn mỏi bên giếng ngọc, mà bị Bắc Vương bức tử để đoạt lấy ‘nỏ’ thần.”
“Ông nghĩ chuyện tới đây đã chấm dứt chưa, khi kẻ thù phương Bắc là người chiến thắng, còn hai dòng tộc Nam quốc rốt cuộc bị săn đuổi khắp mọi ngõ ngách trên chính quê hương xứ sở mình? Thưa, chưa hết đâu. Những oan hồn khi thoát kiếp lại kéo bè kết đảng nguyền rủa trù ếm nhau bất tận. Bao lời nguyền chồng chất lên nhau: năm năm hạn hán cho dòng họ này; mười năm mất mùa cho dòng họ kia; hai mươi năm không đẻ được một đứa con nối dòng cho anh; ba mươi năm bịnh hoạn tật nguyền cho tôi... Rồi năm mươi năm... Rồi một trăm năm... Ám khí đè nặng lên núi sông, khiến cỏ dại cũng không mọc nổi, và nước phải rút hết vào lòng đất trước khi kịp bốc hơi theo lẽ tuần hoàn vũ trụ, để lại những vệt hằn cạn kiệt trên mặt đất, buồn nhớ một thuở đã đầy sông cá lội. Những lời nguyền rủa cộng nhau qua lại lên đến bốn ngàn năm tận cùng khốn nạn: đồng bào nói cùng ngôn ngữ nhưng không hiểu nhau; nông phu cày bừa trên cùng cánh đồng nhưng ngầm hãm hại mùa màng nhau; anh em ruột thịt cùng cha mẹ nhưng ganh ghét, mượn tay người ngoài giết chóc nhau...”
“Thưa ông, người dân tội nghiệp xứ tôi vẫn thường tự hào nhắc nhở tới bốn-ngàn-năm-văn-hiến của mình, ngây tình không hiểu con số vô hồn đó từ đâu ra. Thông điệp ở đầu này sang đầu kia có khi mất đi một nửa nên bị hiểu lầm đau đớn. Dân tộc tôi chỉ nhớ phần đầu vô nghĩa của con số, lúc nào đó đã tự động ghép thêm văn hiến / lịch sử vào phía đuôi cho nó vui vẻ hiển hách và có hậu, mà không hề hay biết đó là bốn ngàn năm bị nguyền rủa truyền kiếp. May mà lịch sử còn nhớ tình iêu của hai người con trẻ, sự thức tỉnh của họ, và nỗ lực cứu vãn tình anh em ruột rà bất thành. Nhờ công đức đó, công chúa và hoàng tử đã cùng nhau gỡ bớt mỗi người một ngàn năm cay nghiệt cho dân tộc mình. Những lời nguyền dù sao, vẫn còn đó, hắc bóng ma ám lên hai ngàn năm dài đăng đẵng...”
Ông ta ngừng kể, bắt đầu nhồi thuốc. Suốt đêm tôi vẫn để í ông ta hút thuốc bằng cái ống tre có khoét một chỗ làm nơi nhồi thuốc. Cách ông ta nhồi thuốc làm tôi liên tưởng tới ống tẩu Tây phương. Nhưng lối hút thuốc thì khác xa. Với kiểu ống điếu này, ông ta chỉ kéo một lần, một hơi thật sâu và đậm đà đủ đốt sạch lượng thuốc lá tương đương như khi hút ống tẩu, chỉ trong vòng vài giây. Đã sẵn khó chịu trước cảnh tượng kéo thuốc nghe rột rột tởm lợm, và nhất là cái mùi hôi không tả nổi đó, nên khi ông ta nghiêng qua hỏi tôi có muốn thử không, chút xíu nữa tôi đã phóng thẳng ra cửa sổ.
“Tôi biết mùi thuốc làm ông rất khó chịu, dẫu đây chỉ là phiên bản vụng về của cây ‘nỏ’ thần xa xưa. Ông có thể tưởng tượng được, hai ngàn năm trước, những kẻ phải ngửi nó còn khó chịu gấp bao nhiêu lần... Tổ tiên tôi đã chế ra một thứ thuốc vô tiền khoáng hậu, làm cho người hút tinh thần phấn chấn sung mãn, trong khi quân thù dưới gió, hít nhằm hơi thuốc bị ngộ độc, liền nối nhau té lăn xuống đất, chết tươi không kịp giãy.”
Ông ta chỉ tôi thấy chỗ để nhồi thuốc, một thứ hình trụ tương tự như đầu tẩu thuốc, nhưng không lớn hơn đầu ngón tay út, cắm vào lưng chừng thân ống điếu:
“Nếu ông có cái móng rùa thần lắp vô đây, ngay chỗ này, và thứ thuốc độc địa đó... sẽ không một kẻ thù nào có bao giờ hại được ông. Cũng giống như nhà vua năm xưa, trước khi bị gạt lấy mất ‘nỏ’ thần...”
Liền sau đó rất nhanh, đôi mắt sáng quắc như mắt mèo đêm chồm qua mặt bàn, xoáy chằm chằm vô mặt tôi một lúc, rồi từng tiếng một, rõ ràng, xác quyết, nhảy khỏi bờ môi thâm xì kia:
“Chúng ta đang cùng nhau hít thở những giờ phút sau cùng của ngàn năm thứ hai. Tôi thấy sâu trong đôi mắt ông nơi ẩn giấu của những điều bí mật... Thiêng liêng này, dòng tộc tôi đã bảo mật suốt hai ngàn năm. Trong vài ngày hay vài tháng tới, những sự cố nào sẽ xảy ra cho dân tộc tôi, hay cho tôi mặc dầu, đều là dấu chỉ của một mùa đại nạn sắp qua.”
Tôi uống đã hơi nhiều, tới cái khoảng nếu ai nói con chó là con mèo, tôi cũng sẵn sàng tin. Đêm một lúc đã tờ mờ sáng. Chia tay người đàn ông tí hon, tôi chợt ân hận đã quên hỏi điều quan trọng nhất: bằng cách nào những bí mật động trời như vậy có thể lưu truyền liên tục suốt hai ngàn năm mà không bị lộ ra ngoài.
Trên tay tôi cầm một hộp giấy chứa bên trong cái ống điếu ông ta tặng, mà cảm thấy đang ra về trống trơn... Thì cứ đổ thừa một đêm say có kẻ nằm mơ nói sảng, cũng như bao nhiêu người mê sảng phán những điều không đầu không đuôi mà đời vẫn gọi là nghệ sĩ.
Khi về nhà, tôi chỉ viết lại câu chuyện quen thuộc ai cũng đã biết, đã chấp nhận mấy ngàn năm nay, và lờ hẳn phần nguyền rủa tội tình kia... Vậy mà con người hắc ám nọ không chịu buông tha tôi. Cả tháng trời, hễ chợp mắt là tôi thấy trong mơ gương mặt tiều tụy có cặp mắt u buồn lẫn một chút dễ ngươi, kiêu bạc đó. Cái hình hài kì quái chỉ có đầu, phần dưới cổ nhô ra một cái móng rùa và chấp chới ngang vành tai đôi cánh gà lông màu trắng; mồm thì cứ leo lẻo:
“Trả ta nỏ thần! Trả ta nỏ thần!”
Cho nên giữa lúc cả thế giới đang lo ra vì đủ mọi lý do lẩm cẩm, ai cũng tránh đi xa, tôi lại lếch thếch bay lên thành phố băng tuyết như pha lê kia. Kịch bản đầy hứa hẹn ở đâu chưa thấy, chỉ khổ thân mình mà thôi!
4.
Khi phi cơ hạ cánh, đã không có tuyết phủ trùm lên thành phố như tôi lo ngại. Tôi về khách sạn tháng trước ở trọ, chọn một căn phòng trên tầng cao nhất, hai mươi mốt, nghĩ rằng từ đó mình có thể ung dung ngắm thành phố đón giao thừa đêm nay.
Tôi về phòng gọi người bạn, suýt chút nữa làm rớt điện thoại khi nghe hung tin bất ngờ như sét đánh ngang tai:
“Sao anh không liên lạc tôi trước? Cả ba cha con họ đều bị giết tuần rồi...”
Tôi đã ngồi chết điếng, không biết nghĩ ngợi gì, tới gần nửa giờ sau, lúc người bạn ào vô phòng như cơn lốc. Anh ôm theo một bó báo chí màu mè in bằng thứ chữ nửa La Tinh nửa Ả Rập với đủ loại dấu loạn xạ mà tôi không hiểu. Anh bạn tôi cũng vừa về lại sau chuyến Âu du. Tất cả những gì anh biết là qua mấy tờ báo ngoại ngữ này. Anh dịch cho tôi nghe một mẫu tin, trong đó nói ba cha con nghệ sĩ giang hồ bị một nhóm đồng hương đánh hội đồng tới chết vì đã dám trình diễn màn kịch mới, ca ngợi một nhân vật mà cộng đồng dân tị nạn của họ ghét cay ghét đắng.
Đầu óc tôi tê tê bàng hoàng. Những chữ cuối cùng của bản tin nghe từ giọng người bạn, giống như có người nện búa ình ình lên đầu tôi. Ai đó đã hào hứng mô tả cái chết đáng kiếp của những kẻ nằm vùng phản bội: cong queo trong vũng máu; sọ nứt làm đôi; những con mắt bị móc ra đạp nát bét; những cái lưỡi thòng thòng ngoài miệng như chó dại thiếu ăn không ai màng đến. Sao có người dễ dãi thích thú trước nỗi chết của tha nhân như vậy...
Tôi nghe bưng bưng mồn một trong đầu lời nói ông ta đêm đó:
“Trong vài ngày hay vài tháng tới, những sự cố nào sẽ xảy ra cho dân tộc tôi, hay cho tôi mặc dầu, đều là dấu chỉ của một mùa đại nạn sắp qua.”
Tình thật, tôi đã không nghĩ ngợi nhiều về điều bí mật đàng sau câu chuyện mà ông ta kể trong một đêm say. Nói gì đến những hệ lụy mập mờ, hoang đường còn hơn chuyện thần thoại. Nếu không vì cái giấc mơ lạ lùng kia, tôi vẫn có thể ngồi tại nhà viết lại câu chuyện lần thứ tư hay thứ năm thứ sáu, dù chỉ bằng trí nhớ. Rốt cuộc, tôi chỉ là kẻ kiếm cơm bằng cách đi tìm chuyện lạ viết thành kịch bản cho người khác làm phim. Tôi không phải triết gia, không màng chuyện chính trị, chẳng thiết tha gì cho số phận đau đớn tưởng tượng của một giống dân nào đó, càng không muốn làm người tiên tri. Tôi không thích, và không đáng để tâm trí mình bị kẹt giữa chừng một vụ giết chóc man rợ mới toanh, vào tuần lễ cuối cùng của năm... Biết nghĩ sao bây giờ? phải chăng cuộc gặp gỡ đêm đó là cơ hội trối trăn cho kẻ bị nhiều người thù ghét trong chính cộng đồng thiểu số nhỏ xíu của mình. phải chăng tất cả câu chuyện chỉ là sự tưởng tượng bịnh hoạn của một người quẫn trí. Hay có lẽ nào, những điều hoang tưởng đó lại là sự thật, và bao đổi thay khốc liệt cho dân tộc khốn khổ kia đang lần lượt xảy ra, khởi từ sự kết liễu một bí mật đã được giữ kín hai ngàn năm qua?
Thật là một mớ bòng bong hỗn loạn vô tích sự! Thực tế cuộc đời mình, tôi chỉ biết tối nay một khuôn mặt đàn ông xương xẩu với đôi cánh gà và cái móng rùa quái dị sẽ lại bay vật vờ nhát ma giấc mơ mình. Điều này có thật, không phải tôi tưởng tượng. Nghĩ đến đây tôi chỉ muốn chửi thề. Tôi không dị đoan. Nhưng chuyện xảy ra làm sao khỏi ớn xương sống cho được. Điều cuối cùng tôi muốn là bị liên lụy lãng xẹt vì một lời nguyền vu vơ.
Khi người bạn đã ra về, tôi thấy mình lấm la lấm lét làm một chuyện trong đời chưa từng nghĩ tới: vượt qua ba bốn dãy hành lang ngoằn ngoèo, dừng trước căn phòng một đêm có người đàn ông Á Đông xa lạ đã thù tiếp mình bằng thứ rượu khó quên và câu chuyện li kì không tin nổi, rón rén đặt cái ống điếu bằng tre dưới ngạch cửa, rồi lẹ làng rút êm...
Bạn tôi rủ tối nay cùng nhào xuống phố đón giao thừa nhưng tôi kiếu. Tôi có quá đủ cho một ngày, không còn hứng thú ăn mừng gì nữa. Trước nửa đêm, tôi rót champagne một mình, nhìn những ngả đường dưới chân tràn ngập người ta bơi trong đó, cạn một hơi rồi đi ngủ.
5.
Sáng ngày thức dậy, tôi nghe trong người sảng khoái nhẹ nhàng. Mặt đồng hồ chỉ tám giờ, đứng kề bên dãy số ngày tháng năm lạ lẫm. Tôi nhớ ra mình đang ở bên này cột mốc thời gian! Chung quanh vắng lặng như tờ, tôi cố lắng tai nghe, nhưng không một tiếng động nào vẳng lại. Chỉ có những bông tuyết li ti bay lững lơ ngoài cửa sổ, gợi nhắc một hiện hữu có thật của đời sống. Thì ra đêm qua gió vẫn thổi, mây vẫn bay, cây lá vẫn lặng lẽ đâm chồi hé nụ, muôn thú trên ngàn và vạn vật dưới biển vẫn iêu nhau, vẫn tiếp tục sanh sôi nảy nở... Vài hôm tính sổ lại, chắc chỉ các hãng hàng không thua lỗ đậm, vì ít ai chịu khó gàn bướng, leo phi cơ du hành như tôi.
Từ hai mươi mốt tầng cao, tôi đảo mắt nhìn thành phố bên dưới, chỉ thấy một đống rác khổng lồ. Người thiên hạ giờ này còn đang say mèm sau cuộc rượu thế kỷ. Biết đâu kẻ hiểu hơn ai hết cái giá phải trả, giản dị mà khốc liệt, của trò chơi mèo chuột với thời gian chính là những chấm đen tí hon di động tới lui dưới đó, đang lao lực để dọn dẹp hàng tấn rác rưởi...
Đang khi khắp hoàn vũ, suốt đêm người người ăn nhậu / nhảy nhót / la hò / đốt pháo bông / xả rác... tưng bừng, tôi đã ngủ say sưa ngon lành vì lạ lùng sao, trong giấc mơ không có cái hình hài kinh dị đầu người - móng rùa - cánh gà đó lạng qua lạng lại vèo vèo và la quang quác nữa.
(1.2000)
Trần Trí Dũng
MỤC LỤC
-Đức Giáo Hoàng Francis:
“Tôi chưa bao giờ từ chối Bí Tích Thánh Thể cho bất cứ ai”
-Hãy nhìn linh mục như một con người. Họ không phải là Thánh
-Chúa có chọn Đức Giáo Hoàng không?
-Đức Giáo Hoàng Leo ‘là người lý tưởng để lãnh đạo Giáo Hội vào thời điểm này’
-Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa kỳ.
-Tư tưởng kinh tế của John M. Keynes
-Mù Chữ Về Kinh Tế Của Công Chúng Hoa Kỳ
-Tại sao trên thế giới có những quốc gia quá giàu, lại có những quốc gia quá nghèo
-Chỉ số Dow Jones, Nasdaq và S&P 500
-Tăng trưởng và phát triển kinh tế
-Tầm quan trọng của Tư tưởng và Hệ thống kinh tế
-Bàn Về Thiết Hụt Ngân Sách Và Quốc Trái Hoa Kỳ.
-XÃ HỘI
-Luận về: "Cái ngu ngốc là tài hiểu lầm"
-NCAA - Nơi ương mầm chồi xuân cho nền thể thao Mỹ quốc
-Phá vỡ 5 huyền thoại sai lầm về lão hóa
-Nhật ký của một linh hồn
-Những cách chữa trị dị thường nhất
-12 sự kiện mở đường thời Internet
-Tầm nhìn của một Thiên tài
-Làm thế nào để trở thành một Bác sĩ Y khoa?
-Cái chết của gã cao bồi cô độc
-Người Mỹ khắc khổ
-Một sáng Chủ nhật
THƠ
-Đêm nay gió chẳng sụt sùi
-EXLURO SAIGON
-Ngày đầu tiên vào Nhà Chúa
-Kỷ yếu 150 năm TCV Thánh Giuse Saigon
-Hình ảnh Ngày truyền thống Exluro Saigon 2025
-Dự đám tang LM Phaolo Nguyễn hữu Thời
-Cảm nghĩ về mái trường Chủng Viện Thánh Giuse
Xem lại những bài đã đăng




