

Đức Giáo Hoàng Francis:
“Tôi chưa bao giờ từ chối Bí Tích Thánh Thể cho bất cứ ai”

https://www.americamagazine.org/faith/2021/09/15/pope-francis-biden-abortion-plane-241435
LỜI NGƯỜI DỊCH: Đây là một bản dịch từ nguyên bản Anh ngữ đăng trên “FAITHVATICAN DISPATH” về cuộc phỏng vấn của các nhà báo Âu Châu trên chuyến bay của Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Francis từ Bratislava, Slovakia về Rome. Bài báo nầy cho thấy quan niệm và tư tưởng của ĐGH Francis về các vấn đề sôi bỏng hiện nay liên quan đến đức tin Công Giáo. Vì bài báo viết bằng Anh ngữ khá dài, tôi dịch ra để chia sẻ với anh em Exluros. ĐTC có đưa ra những điển tích nhưng không giải thích. Do đó, mặc dù bài khá dài tôi thấy cần thêm vào những “endnotes” để giải thích ngắn gọn về các điển tích nầy. Hy vọng các anh em sẽ tìm thấy những kiến thức đức tin rất quan trọng chứa đựng trong bài báo khá dài nầy. --S58
Gerard O’Connell September 15, 2021
ĐTC Francis trả lời các câu hỏi từ các nhà báo trên chuyến bay từ Bratislava, Slovakia, về Rome Sept. 15, 2021. (CNS photo/Paul Haring)
“Tôi chưa bao giờ từ chối bí tích Thánh Thể cho bất cứ ai,” Đức Thánh Cha (ĐTC) Francis tiết lộ trong một câu trả lời trong những câu hỏi của tôi trên chuyến bay từ Bratislava về Rôma, ngày 15 tháng 9 [2021]. Đó là một tiết lộ quan trọng vào thời điểm mà một nhóm Giám Mục ở Hoa Kỳ đẩy mạnh việc từ chối trao Mình Thánh Chúa cho các chính trị gia ủng hộ "lập trường lựa chọn" (pro-choice), gồm cả Tổng thống Joe Biden. ĐTC dường như đã gửi ra một thông điệp rất khác — và đó không phải chỉ là một thông điệp duy nhất.
ĐTC đã gửi ra một thông điệp mạnh mẽ thứ hai để trả lời cho câu hỏi khác của tôi về cuộc thảo luận sôi nổi liên quan đến việc từ chối trao Mình Thánh Chúa cho các chính trị gia theo lập trường lựa chọn, khi Ngài kêu gọi các Giám Mục nên là các “Đấng Chăn Chiên” (Pastors), mà không là chính trị gia. Tôi ngạc nhiên về điều này vì trong năm qua, tôi đã nghe một số giới chức Vatican hỏi: "Tại sao các Giám Mục Hoa Kỳ không thể là Đấng Chăn Chiên mà là chính trị gia?"
Trên máy bay, ĐTC Francis đã giải thích cặn kẽ về điều này khi Ngài nói, “nếu chúng ta nhìn vào lịch sử của Giáo Hội, chúng ta sẽ thấy rằng mỗi khi các Giám Mục không giải quyết một vấn đề theo cương vị của đấng Chăn Chiên, họ đứng về phía chính trị.” Ngài trích dẫn những ví dụ mà các Giám Mục đứng về phía chính trị đã phải trả giá bằng mạng sống con người như trường hợp của Friar Dominica, Giacomo Savonarola,[ii] ở Florence năm 1489, và người Huguenot (Tin lành)[iii] ở Pháp năm 1472.
“Đó là một tiết lộ quan trọng vào thời điểm mà một nhóm giám mục ở Hoa Kỳ đang đẩy mạnh việc từ chối trao Mình Thánh Chúa cho các chính trị gia ủng hộ lập trường lựa chọn, gồm cả Tổng thống Joe Biden.”
ĐTC nói: “Để bảo vệ một nguyên tắc, khi Giáo Hội hành động một cách phi mục vụ, thì Giáo Hội luôn đứng về phía chính trị, điều nầy luôn luôn là như thế.” Ngài hỏi, "một Đấng Chăn Chiên phải làm gì?" và Ngài trả lời: “Hãy là một vị Chủ Chăn. Đừng lên án. Hãy là một vị Chủ Chăn vì mình cũng là một Đấng Chăn Chiên cho những người bị vạ tuyệt thông [bị dứt phép thông công].” Ngài nói, các Giám Mục nên là “những Đấng Chăn Chiên với phong cách của Chúa, đó là sự gần gũi, nhân từ và dịu dàng”.
Trên máy bay, ĐTC Francis trả lời các câu hỏi của 5 nhà báo. Trả lời câu hỏi của một nhà báo Tây Ban Nha, Daniel Verdú Palai của tờ El País, Ngài tiết lộ rằng trong cuộc gặp gở của Ngài, cùng với các cố vấn cấp cao của Vatican, với Tổng thống János Áder và Thủ tướng Viktor Orbán của Hungary, đã không thảo luận cái vấn đề hóc búa (về phía người Hungary) về di dân nhưng thay vào đó là tập trung vào các vấn đề đoàn kết: hỗ trợ gia đình và các mối quan tâm về sinh thái, và Ngài ca ngợi những gì người Hungary đang làm trong lĩnh vực vừa đề cập.
Có người chỉ trích ĐTC Francis chỉ dành có 7 giờ ở Hungary, nhưng trên máy bay, Ngài tiết lộ với một nhà báo Hungary, Istávan Károly Kuzmány của tờ Magiar Kurir, rằng Ngài đã hứa với tổng thống Hungary là Ngài “sẽ liệu xem có thể quay trở lại [Hungary] không vào năm tới hoặc một năm sau đó.”
"Ngay cả trong Hội Đồng Hồng Y cũng có những vị chống chích ngừa, và một trong các vị nầy, có một vị đáng tội nghiệp, đã phải nằm nhà thương vì vi khuẩn (virus)."
Một nhà báo người Slovakia tên là Bohumil Petrik của tờ Dennik Standard, đã nêu ra vấn đề chống chích ngừa, trong khi đó ĐTC coi việc nầy như "một cử chỉ yêu thương khi chịu chích ngừa.” Ông hỏi ĐTC Francis có thể dung hòa hai sự kiện này như thế nào. ĐTC thừa nhận: “Tôi không thể giải thích cặn kẽ. Một số người nói rằng đó là do thuốc ngừa không được thí nghiệm đầy đủ”. Tuy nhiên, Ngài nói thêm, "Ngay cả trong Hội Đồng Hồng y cũng có một số người chống chích ngừa, và một trong các Hồng y đó, một vị đáng tội nghiệp, đã phải nằm bệnh viện vì vi khuẩn [virus]." Các nhà báo hiểu điều này ám chỉ Đức Hồng Y Raymond Burke, mặc dù ĐTC Francis không nêu ra tên ông.
Một nhà báo người Ý, Stefano Maria Paci của đài Sky TV 24, nói với ĐTC rằng hôm qua Quốc hội Âu Châu (European Parliament) đã chấp thuận giải pháp kêu gọi 27 quốc gia thành viên công nhận hôn nhân đồng tính (homosexual marriages) và hỏi ĐTC nghĩ gì về điều nầy. ĐTC Francis tái xác nhận rằng hôn nhân "là một bí tích và Giáo Hội không có quyền thay đổi các phép bí tích vì Chúa đã lập ra." Nhưng Ngài nói rằng "có những luật cố gắng giúp đở hoàn cảnh của nhiều người có khuynh hướng tình dục khác nhau."
ĐTC nói: "Những người nầy được giúp đở là một vấn đề quan trọng," và "nếu một cặp đồng tính luyến ái ước ao chung sống thì nhà nước có cơ hội dân sự để ủng hộ họ, cung cấp cho họ sự an toàn về thừa hưởng gia tài, vấn đề chăm sóc sức khỏe, v.v." Nhưng hôn phối là hôn phối. Điều nầy không có nghĩa là lên án họ; họ là anh chị em của chúng ta, và chúng ta phải đồng hành với họ. Câu trả lời đầy đủ hơn của ĐTC như sau.
"Nếu một cặp đồng tính luyến ái ước ao chung sống thì nhà nước có cơ hội dân sự để ủng hộ họ, cung cấp cho họ sự an toàn về thừa hưởng gia tài, vấn đề chăm sóc sức khỏe, v.v."
Nhưng điều tiết lộ lớn nhất trong chuyến thăm bốn ngày của Ngài đến Hungary và Slovakia, và cuộc họp báo, là sự kiện mà ĐTC Francis đang ở trong tình trạng sức khỏe tốt đẹp và có vẻ như đã hoàn toàn bình phục sau cuộc giải phẫu vào ngày 4 tháng 7. Đó là cảm tưởng của các nhà báo. Ngài đã phải chịu đựng một thời khóa biểu nặng nề, mệt mỏi trong bốn ngày ở hai nước, và có phong độ cao trong buổi họp báo. Những người suy đoán rằng sự kết thúc của triều đại giáo hoàng đang nằm trong tầm mắt nên suy nghĩ lại.
Bản dịch câu hỏi và câu trả lời về Rước lễ và phá thai, thực hiện bằng tiếng Ý, được trình bày dưới đây, trong bản dịch do cơ quan truyền thông Vatican News cung cấp.
Ông Gerard O’Connell hỏi: Thưa ĐTC, Ngài thường nói tất cả chúng ta đều là kẻ có tội, và Bí tích Thánh Thể không phải là phần thưởng cho những người hoàn hảo mà là một liều thuốc và thức ăn cho kẻ yếu đuối. Như Ngài đã biết, ở Hoa Kỳ, đặc biệt là sau cuộc bầu cử vừa qua, nhưng ngay cả từ năm 2004, đã có một cuộc thảo luận giữa các Giám Mục về việc [không] trao Mình Thánh Chúa cho các chính trị gia ủng hộ luật phá thai và quyền lựa chọn của phụ nữ. Và như Ngài đã biết, có những Giám Mục muốn từ chối trao Mình Thánh Chúa cho tổng thống và các giới chức khác. Có những Giám Mục khác phản đối, có những Giám Mục khác nói rằng “ta không cần sử dụng Bí tích Thánh Thể như một vũ khí”. Câu hỏi của con, thưa ĐTC: ĐTC nghĩ gì về tất cả những điều này, và Ngài khuyên các Giám Mục điều gì? Kế đến, một câu hỏi thứ hai: Ngài, với tư cách là một Giám Mục, trong các năm qua, có công khai từ chối Bí tích Thánh Thể cho bất cứ ai như thế này chưa?
ĐTC Francis trả lời: Không, tôi chưa bao giờ từ chối Bí Tích Thánh Thể cho bất cứ ai, cho bất người nào. Tôi không biết có ai ở trong tình trạng đó đã đến [với tôi] không, nhưng tôi không bao giờ, chưa bao giờ từ chối Bí tích Thánh Thể. Đó là, với tư cách là một linh mục. Không bao giờ. Tôi chưa bao giờ biết được có một người giống như người mà ông mô tả trước mặt tôi, đó là sự thật. Một cách đơn giản, có một lần duy nhất tôi có một chút ... một điều thú vị, là khi tôi cử hành Thánh lễ trong một nhà nghỉ và chúng tôi đang ở trong phòng khách, và tôi nói: "Hãy giơ tay lên nếu quý vị muốn rước lễ.” Tất cả mọi người, các cụ ông, các cụ bà, ai cũng muốn rước lễ, và khi tôi trao Mình Thánh cho một phụ nữ, bà ấy cầm tay tôi và nói với tôi: “Cảm ơn Cha, cảm ơn Cha: Con là người Do Thái.” Tôi nói: “Không, đấng mà tôi trao cho bà cũng là người Do Thái…” Điều kỳ lạ duy nhất, nhưng bà cụ rước lễ trước, rồi nói sau.
“Không, tôi chưa bao giờ từ chối Bí Tích Thánh Thể cho bất cứ ai, cho bất người nào. Tôi không biết có ai ở trong tình trạng đó đã đến [với tôi] không, nhưng tôi không bao giờ, chưa bao giờ từ chối Bí tích Thánh Thể.”
Không. Rước lễ không phải là một giải thưởng cho những người hoàn hảo, phải không? Ta hãy nghĩ về Port Royal (des Champs)[iv], về vấn đề với Angélique Arnaud, đạo Jansenism[v]: những người hoàn hảo có thể rước lễ. Rước lễ là một món quà, một quà tặng; sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Giáo hội của Người và trong cộng đồng. Đây là thần học. Vậy thì những ai không ở trong cộng đồng không thể rước lễ, như người phụ nữ Do Thái này, nhưng Chúa đã muốn ban thưởng cho bà ấy mà tôi không biết. Tại sao? Bởi vì họ ở ngoài cộng đồng — excomutate — được gọi là bị vạ tuyệt thông. Đó là một từ ngữ khắc nghiệt, nhưng có nghĩa là họ không ở trong cộng đồng, hoặc vì họ không thuộc về cộng đồng, họ không được rửa tội hoặc đã trôi dạt vì một lý do nào đó.
Thứ hai, vấn đề phá thai. Phá thai không chỉ là một vấn đề. Phá thai là sát nhân. Phá thai ... không mập mờ: kẻ phá thai giết người. Lấy bất kỳ cuốn sách nào về phôi sinh học của các sinh viên y khoa trong các trường y khoa. Trong tuần thứ ba sau khi thụ thai, từ tuần thứ ba, thường là trước khi bà mẹ biết được điều đó, tất cả các bộ phận đã hiện hữu, thậm chí cả DNA ... Đó không phải là một con người sao? Đó là một cuộc sống của con người, không gì hơn. Và mạng sống con người này phải được tôn trọng. Nguyên tắc này quá rõ ràng, và đối với những người không thể hiểu được, tôi sẽ đặt ra hai câu hỏi: giết một mạng người để giải quyết một vấn đề có đúng không? Về mặt khoa học, đó là một mạng sống con người.
“Phá thai không chỉ là một vấn đề. Phá thai là sát nhân. Phá thai ... không mập mờ: kẻ phá thai giết người”.
Câu hỏi thứ hai: thuê một kẻ sát nhân để giải quyết vấn đề có đúng hay không? Tôi đã công khai nói điều này với Jordi Évole[vi] khi anh ta phỏng vấn, tôi đã nói điều đó vào ngày hôm trước với COPE, tôi muốn lặp lại điều đó ... và thế là đủ. Đừng hỏi những câu hỏi kỳ lạ. Về mặt khoa học, đó là một cuộc sống của con người. Sách vỡ dạy điều này. Tôi hỏi: ném nó [cái thai] ra ngoài để giải quyết một vấn đề có đúng hay không? Đó là lý do tại sao Giáo hội rất khó khăn về vấn đề này, bởi vì nó giống như nếu cô ấy chấp nhận nó, nếu cô ấy chấp nhận điều này thì cũng như chấp nhận giết người hàng ngày. Một nguyên thủ quốc gia đã nói với tôi rằng sự suy giảm dân số bắt đầu từ những người nầy, có một khoảng cách tuổi tác, bởi vì trong những năm đó, luật phá thai mạnh mẽ đến mức họ đã thực hiện sáu triệu vụ phá thai, theo tính toán, và điều này để lại một giảm sút [về dân số] nặng trong xã hội của quốc gia đó.
Bây giờ chúng ta hãy đề cập người không ở trong cộng đồng, không thể rước lễ vì họ ở ngoài cộng đồng và đây không phải là một hình phạt. Không, người đó ở bên ngoài. Rước lễ là kết hợp bản thân ta với cộng đồng. Nhưng vấn đề không phải là vấn đề thần học — điều đó đơn giản — vấn đề là vấn đề mục vụ: làm thế nào để các Giám Mục chúng ta đối phó với nguyên tắc này về phương diện mục vụ. Và nếu chúng ta nhìn vào lịch sử của giáo hội, chúng ta sẽ thấy rằng mỗi khi các Giám Mục giải quyết một vấn đề không với tư cách là các đấng Chăn Chiên, họ đã lấy lập trường chính trị về một vấn đề chính trị. Hãy nghĩ đến Đêm St Bartholomew: “Ồ, những kẻ theo tà giáo, vâng. Nhưng đó là một tà giáo nghiêm trọng ... chúng ta hãy cắt cổ họ ...”[vii] Không: đó là một vấn đề chính trị. Hãy nghĩ về Joan of Arc,[viii] về viễn ảnh đó, hãy nghĩ về cuộc săn phù thủy .... Hãy nghĩ về Campo de ’Fiori,[ix] về Savonarola, về tất cả những người đó.
“Mỗi khi các Giám Mục giải quyết một vấn đề không phải với tư cách là các đấng Chăn Chiên, họ đã lấy lập trường chính trị về một vấn đề chính trị”.
Khi Giáo hội bảo vệ một nguyên tắc theo cách phi mục vụ thì Giáo Hội hành động trên một bình diện chính trị. Và điều này luôn là như thế, chỉ cần nhìn vào lịch sử. Đấng Chăn Chiên phải làm gì? Hãy là một Đấng Chăn Chiên. Hãy là một Chủ Chăn và đừng nhìn quanh mà lên án, không lên án .... Nhưng liệu có phải Đấng Chăn Chiên nầy cũng là Đấng Chăn Chiên cho những người bị vạ tuyệt thông nữa hay không? Đúng vậy, Đấng Chăn Chiên phải là một Đấng Chăn Chiên trong chính mình, là một Đấng Chăn Chiên với phong cách của Chúa. Và phong cách của Chúa là sự gần gũi, nhân từ và dịu dàng.
Toàn bộ Kinh thánh nói như vậy. Sự gần gũi đã có trong Deuteronomy [quyển thứ 5 của Cựu Ước], trong đó Chúa nói với Israel: "Hãy nói cho ta biết người ta có những vị thần nào gần gũi họ như ta với các ngươi không?" Sự gần gũi, lòng nhân từ. Chúa thương xót chúng ta khi chúng ta đọc Zekiel, trong Hosea. Sự dịu dàng đã có ngay từ đầu. Chỉ cần nhìn vào các sách Phúc âm và những điều của Chúa Giê-su là đủ. Một Chủ Chăn không biết cách cư xử đúng với phong cách của Chúa, đang tuột dốc và làm nhiều việc không phải là mục vụ.
Đối với tôi, tôi không muốn nói rõ, vì ông đã nói về Hoa Kỳ, vì tôi không biết rõ chi tiết về Hoa Kỳ, tôi sẽ đưa ra nguyên tắc. Ông có thể nói với tôi: "Nhưng, nếu ĐTC gần gũi, dịu dàng và nhân từ với một người, ĐTC có cho người đó Rước lễ không?" Đây là một giả thuyết. Hãy là một vị mục tử, và mục tử biết mình phải làm gì trong mọi lúc, nhưng với tư cách là một Chủ Chăn. Nhưng nếu vị Chủ Chăn đi ra khỏi chiều hướng mục vụ của Giáo hội, ông ấy lập tức trở thành một chính trị gia: Ông thấy điều này trong tất cả các cáo buộc, trong tất cả các kết án phi mục vụ mà giáo Hội thực hiện ...
“Đấng Chăn Chiên phải làm gì? Hãy là một Đấng Chăn Chiên. Hãy là một Chủ Chăn và đừng nhìn quanh mà lên án, không lên án .... Nhưng liệu có phải Đấng Chăn Chiên nầy cũng là Đấng Chăn Chiên cho những người bị vạ tuyệt thông nữa hay không?”
Với nguyên tắc này, tôi nghĩ một vị chủ chăn sẽ có thể vận hành tốt đẹp. Các nguyên tắc được lấy từ thần học. Thiên chức vụ mục là thần học và Đức Thánh Linh đang dẫn dắt người Chủ Chăn hành động theo phong cách của Chúa. Tôi dám khẳng định đến mức nầy. Nếu quý vị nói: ĐTC có thể cho hay không cho? Đây là "casuitry", những gì mà các nhà thần học nói.
Quý vị có còn nhớ cơn bão đã xảy ra với “Amoris Laetitia” [The Joy of Love][x] khi ra mắt với chương về sự đồng hành của các cặp vợ chồng ly thân, ly hôn không? Tà giáo, tà giáo! Tạ ơn Chúa vì ta có Đức Hồng Y Schönborn ở đó, một nhà thần học vĩ đại, và Ngài đã làm sáng tỏ mọi điều.
Nhưng luôn sẽ có sự lên án nầy, kết án. Dứt phép thông công đã đủ rồi! Xin đừng thực hiện thêm các vạ tuyệt thông. Những người đáng thương, họ là con cái của Thiên Chúa, họ muốn và cần sự gần gũi mục vụ của chúng ta. Vì vậy, vị Chủ Chăn nên giải quyết mọi việc theo sự hướng dẫn của Thánh Linh.
Người Dịch: Paolo Sáng
Fairfax, Virginia
Sept. 17, 2021
[i] Anh em nào muốn đọc nguyên văn Anh ngử xin vào link sau đây: https://www.americamagazine.org/faith/2021/09/15/pope-francis-biden-abortion-plane- 241435
-
Girolamo Savonarola là một Giáo sĩ dòng Đa Minh, theo chủ nghĩa thuần túy cuồng tín. Ông giảng về ngày tận thế, khẳng định rằng giáo hội cần được cải tổ. Sau khi gia đình Medici ở Florence, Italy bị lật đổ (1494), Savonarola trở thành lãnh đạo của Florence, thiết lập một chính phủ dân chủ nhưng thuần túy nghiêm khắc, nổi tiếng với "ngọn lửa phù phiếm", trong đó các vật liệu "phù phiếm" bị đốt cháy. Ông cũng tìm cách thành lập một nước cộng hòa Thiên chúa giáo để làm cơ sở cho việc cải tổ nước Ý và giáo hội. Ông bị những người ủnng hộ gia đình Mecidi phản đối. Giáo Hoàng Alexander VI cố gắng kiềm chế những giải thích bất thường của ông về kinh thánh. Savonarola bị đem ra xét xử, bị kết tội tà giáo, bị treo cổ và thiêu vào năm 1498.
-
Người Huguenots là những người Pháp theo đạo Tin lành vào thế kỷ 16 và 17. Người Huguenots tuân theo lời dạy của nhà thần học John Calvin nên bị chính quyền Công giáo Pháp bức hại nên chạy trốn khỏi đất nước vào thế kỷ 17, tạo ra các khu định cư Huguenot trên khắp Châu Âu, Hoa Kỳ và Châu Phi.
[iv] Port-Royal-des-Champs là tu viện của các nữ tu dòng Cistercian ở Magny-les-Hameaux, Vallée de Chevreuse, phía tây nam Paris. Tu viện được thành lập vào năm 1204, và trở nên nổi tiếng khi Mẹ Bề Trên Marie Angelique Arnauld (1591-1661) cải tổ kỷ luật vào năm 1609. Tại đây, một số trường học được thành lập, có tên là là Petites écoles de Port-Royal. Những trường này trở nên nổi tiếng với nền giáo dục cao. Năm 1634 Jean du Vergier de Hauranne, Abbé de Saint-Cyran, trở thành linh hướng của tu viện; ông là bạn của Jansenius và là người thực hiện chủ nghĩa Jansenism ở Pháp. Từ thời điểm đó trở đi, các tu viện và trường học của Port-Royal trở nên gắn bó mật thiết với trường thần học đó. Kết quả là Dòng Tên chống lại chủ nghĩa Jansenism và cho rằng các trường học của Port-Royal đã nhuốm màu tà giáo. Tu viện bị bải bỏ bởi một sắc lệnh của giáo hoàng Clement XI vào năm 1708, các nữ tu bị bắt buộc giải tán và năm 1709, và các tòa nhà bị san bằng vào năm 1711. Nhà nguyện, chứa lăng mộ của Mère Angélique, và một số tòa nhà khác vẫn còn tồn tại trong khuôn viên rộng lớn đã trở thành bệnh viện sản phụ hàng đầu của Paris, được gọi là Bệnh viện Port-Royal.
[v] Jansenism là một phong trào thần học trong Công giáo, hoạt động ở Pháp, nhấn mạnh tội tổ tông, sự sa đọa của con người, sự cần thiết của ân sủng và tiền định của Thiên Chúa. Giáo hội Công giáo tuyên bố Jansenism là một tà giáo. Nhiều vị trong hàng giáo phẩm Công giáo phản đối Jansenism, đặc biệt là các giáo sĩ Dòng Tên.
-
Jordi Évole là một nhà báo Tây Ban Nha từng phỏng vấn ĐGH Francis.
-
St. Bartholomew’s Night: Cuộc thảm sát vào ngày lễ Thánh Bartholomew là một làn sóng bạo lực của đám đông Công Giáo Pháp đánh vào nhóm thiểu số Tin lành (Huguenot). Vụ thảm sát nầy giết chết hơn 10,000 người trong khoảng thời gian hai tháng vào mùa thu năm 1572.
-
Thánh Joan of Arc (tên thật là Jehanne d'Arc): Một nữ anh hùng dân tộc của Pháp. Vào tuổi 18, Joan of Arc đã lãnh đạo quân đội Pháp chiến thắng quân Anh tại Orléans. Sau 1 năm, bà bị bắt và bị người Anh và những người Pháp cộng tác với quân Anh kết án và thiêu sống như một kẻ theo tà đạo vào ngày 29, tháng 5, 1431. Bà được phong thánh hơn 500 năm sau, vào ngày 16 tháng 5 năm 1920.
[ix] Campo de ’Fiori (field of flowers) là một khuôn viên hình chử nhật tại phía nam của Piazza Novana, Rome, Italy. Các cuộc hành quyết từng được tổ chức công khai tại Campo de 'Fiori. Nơi đây, vào ngày 17 tháng 2 năm 1600, nhà triết học Giordano Bruno đã bị thiêu sống vì bị kết án là tà giáo, và tất cả các tác phẩm của ông đã bị Holy Office đưa vào mục lục Sách Cấm. Năm 1889, Ettore Ferrari đã dành một tượng đài cho ông vào đúng thời điểm ông qua đời: Ông đứng đối diện với Vatican và trong những ngày đầu tiên của nước Ý thống nhất ông được xem như là một vị tử đạo vì tự do tư tưởng. Dòng chữ trên đế ghi: A BRUNO - IL SECOLO DA LUI DIVINATO - QUI DOVE IL ROGO ASS ("To Bruno - thế kỷ được ông tiên đoán - đây là nơi ngọn lửa bùng cháy"). Thi hài của nhà thần học và nhà khoa học Marco Antonio de Dominis cũng bị thiêu rụi tại quảng trường này vào năm 1624.
[x] Amoris laetitia (Niềm vui của Tình yêu) là một Tông huấn hậu thượng hội đồng của Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến việc chăm sóc mục vụ của các gia đình. Đề ngày19 tháng 3 năm 2016, và được phát hành vào ngày 8 tháng 4 năm 2016, theo sau cácThượng hội đồng về Gia đình được tổ chức trong năm 2014 và 2015. Tông huấn gồm một loạt chủ đề liên quan đến đời sống hôn nhân và gia đình cũng như những thách thức đương thời mà các gia đình trên khắp thế giới phải đối diện. Tông huấn khuyến khích cả các Chủ Chăn và các thành viên của giáo dân đồng hành và chăm sóc cho các gia đình và các người khác trong những tình huống cần thiết đặc biệt. Amoris Laetitia cũng bao gồm một sự phản ánh mở rộng về ý nghĩa của tình yêu trong thực tế hàng ngày của cuộc sống gia đình. Một cuộc tranh luận đã bùng lên sau khi xuất bản Amoris Laetitia về vấn đề liệu Chương 8 của Tông huấn đã thay đổi kỷ luật bí tích của Giáo hội Công giáo liên quan đến việc tiếp nhận các bí tích Gải Tội và Thánh thể cho những người ly hôn đã tái hôn dân sự hay không.
Power in Numbers
30
Programs
50
Locations
200
Volunteers
Project Gallery
MỤC LỤC
-Đức Giáo Hoàng Francis:
“Tôi chưa bao giờ từ chối Bí Tích Thánh Thể cho bất cứ ai”
-Hãy nhìn linh mục như một con người. Họ không phải là Thánh
-Chúa có chọn Đức Giáo Hoàng không?
-Đức Giáo Hoàng Leo ‘là người lý tưởng để lãnh đạo Giáo Hội vào thời điểm này’
-Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa kỳ.
-Tư tưởng kinh tế của John M. Keynes
-Mù Chữ Về Kinh Tế Của Công Chúng Hoa Kỳ
-Tại sao trên thế giới có những quốc gia quá giàu, lại có những quốc gia quá nghèo
-Chỉ số Dow Jones, Nasdaq và S&P 500
-Tăng trưởng và phát triển kinh tế
-Tầm quan trọng của Tư tưởng và Hệ thống kinh tế
-Bàn Về Thiết Hụt Ngân Sách Và Quốc Trái Hoa Kỳ.
-XÃ HỘI
-Luận về: "Cái ngu ngốc là tài hiểu lầm"
-NCAA - Nơi ương mầm chồi xuân cho nền thể thao Mỹ quốc
-Phá vỡ 5 huyền thoại sai lầm về lão hóa
-Nhật ký của một linh hồn
-Những cách chữa trị dị thường nhất
-12 sự kiện mở đường thời Internet
-Tầm nhìn của một Thiên tài
-Làm thế nào để trở thành một Bác sĩ Y khoa?
-Cái chết của gã cao bồi cô độc
-Người Mỹ khắc khổ
-Một sáng Chủ nhật
THƠ
-Đêm nay gió chẳng sụt sùi
-EXLURO SAIGON
-Ngày đầu tiên vào Nhà Chúa
-Kỷ yếu 150 năm TCV Thánh Giuse Saigon
-Hình ảnh Ngày truyền thống Exluro Saigon 2025
-Dự đám tang LM Phaolo Nguyễn hữu Thời
-Cảm nghĩ về mái trường Chủng Viện Thánh Giuse
Xem lại những bài đã đăng




